Monday, January 21, 2008

Các Bạn, Sáng ngày lễ Mục Sư Martin Luther King’s Jr.Toi nhận bản tin của dài VOA. Vì có nhiều nghi vấn nên tôi tìm thêm tin tức và tài liệu liên quan đến Hoàng và Trường Sa. Có hai bài viết liên quan tới VNCH và Hoa Kỳ từ trước vụ hải chiến 19-1-1974, chuyến công du Trung công và VN từ 17/1 đến 20/1/2008 của Thứ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte và cuối cùng là chuyến đi Trung cộng của Phó Thủ Tướng Phạn Gia khiêm thì sau khi tổng kết, tôi mới vỡ lẽ đầu đuôi tự sự. Chỉ vì quyền lợi của họ mà họ lại “sắp đặt thế cờ trên đầu Nhân Dân VN.”còn Người VN thì chỉ đối phó với cái ngọn (hậu quả) chứ không đối diện trực tiếp với cái gốc (nguyên nhân). Ðây là một bài học mà Nhân Dân VN phải trả một cái giá rất đắt để sinh tồn trên mãnh Ðất hình chữ S vậy. Trắng Ðen đã rỏ!Ai là Bạn, Ai là Thù!
Song Trang

Mời các bạn vào đọc…..
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Việt Nam và các lân bang.
21/01/2008

Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề nhức nhối của người dân Việt ở trong lẫn ngoài nước khi mà Trung Quốc cho thiết lập thành phố Tam Sa và sáp nhập 2 quần đảo mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn tranh chấp chủ quyền. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày quan điểm của một sử gia người Mỹ gốc Đài Loan, giáo sư hồi hưu từng giảng dạy tại đại học Rochester, và luật sư Nguyễn Hữu Thống về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Việt Nam và các lân bang. Theo ý kiến của giáo sư Richard Chu thì từ thượng cổ, Trung Quốc đã nhận chủ quyền trên toàn vùng biển Đông mà họ gọi là biển Nam Hải, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhận chủ quyền là một chuyện, nhưng người Trung Quốc và ngư dân Trung Quốc không đặt chân lên những hải đảo xa xôi. Trong khi đó, các ngư phủ Việt Nam vẫn đánh cá ở vùng đảo gần với phần đất của mình. Bên nào cũng nhận chủ quyền trên hai quần đảo này. Tuy nhiên, nhận thì thì cứ nhận nhưng không có những đụng độ trực tiếp. Trước kia, ý thức về biên cương của Trung Quốc có ý nghĩa văn hóa mà thôi. Ý tưởng về đường biên giới theo luật quốc tế thực sự chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 19 khi chủ nghĩa quốc gia phát triển mạnh. Kể từ đó trở đi đường biên giới giữa các quốc gia trên thế giới đã trở nên hết sức quan trọng. Giờ đây với sự phát triển của những công nghệ hiện đại, việc kiểm soát lãnh thổ trở nên dễ dàng hơn chứ không như trong quá khứ nên tranh chấp càng xảy ra nhiều hơn. Theo giáo sư Chu, ngày nay Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh, họ không chỉ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Việt Nam, mà còn với các lân bang khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Quần đảo Điếu Ngư, mà Nhật Bản gọi là Senkaku, vẫn trong vòng tranh chấp giữa hai nước. Giáo sư Chu mô tả diễn tiến của vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư từ lúc Trung Quốc chưa ở thế mạnh như bây giờ. Ông Chu nói: "Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, nên đã nói với Nhật rằng hãy dời vấn đề quần đảo này 20 năm nữa, để thế hệ con cái sau này giải quyết. Mới đây, Nhật Bản muốn đem các đảo này ra thương thuyết thì Trung Quốc gạt phắt, nói rằng những đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, không có gì để phải thương thuyết. Đồng thời Trung Quốc đưa 20 phi đạn đến bán đảo Sơn Đông, những phi đạn có thể bắn tới phía nam nước Nhật. Nhật Bản hết sức phẫn nộ và nêu lên rằng lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc nói rằng sẽ thương thuyết mà bây giờ thì Trung Quốc lại không muốn thương thuyết. Đấy, thưa quí vị, tôi muốn nêu lên một nguyên tắc là trong các cuộc thương thuyết quốc tế, ngay từ thời xửa xưa, khi mà người ta mạnh thì người ta lớn tiếng, khi mà người ta yếu thì người ta im lặng." Giáo sư Chu cũng đề cập đến cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi Ấn đòi tôn trọng đường ranh McMahon do Anh quốc, nước trước kia đã chiếm Ấn độ làm thuộc địa, ký với Tây Tạng và Trung Quốc. Sau này thì Trung Quốc không chịu công nhận đường biên giới đó và trong thập niên 1960, hai quốc đã đụng độ với nhau trong cuộc chiến đầu thập niên 1962. Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Trung Quốc thành lập đơn vị hành chính Tam Sa trên đảo Hải Nam, sáp nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là hai nhóm đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền, tức là phần lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp, thì giáo sư đưa ra câu hỏi như sau: "Trung Quốc sáp nhập 2 quần đảo này vào Tam Sa thì Việt Nam có khiếu nại với Hội Đồng LHQ hay không? Nếu như Việt Nam trưng dẫn được những bằng chứng là 2 nhóm đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam thì Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều áp lực quốc tế. Hãy có hành động, đem vụ này ra trước công luận, và ngay cả trước công chúng Mỹ, thúc chính phủ Hà Nội phải có hành động; trong khi đó thì quí vị có thể biểu tình phản đối chống chính phủ Trung Quốc. Ở bên ngoài trụ sở LHQ tại New York lúc nào người ta cũng thấy có những vụ biểu tình, hãy lên tiếng nói thật mạnh để kêu gọi sự chú ý mạnh mẽ của công luận. Ban Việt Ngữ VOA cũng đã tiếp xúc với luật sư Nguyễn Hữu Thống, một người đã từng hành nghề ở Sài Gòn trước năm 1975, rồi tại Pháp và hiện giờ ông đang hành nghề trong bang California, Hoa Kỳ. Về vấn đề Trung Quốc thành lập đơn vị hành chánh Tam Sa, luật sư Thống đưa ý kiến: "Tam Sa, theo ý tôi, chỉ là một chiến dịch hỏa mù thôi, không phải là ý chính của nó. Ngay từ năm 1946, sau khi họ chiếm nhóm đảo gọi là An Vĩnh ở bên Hoàng Sa và họ đã thành lập cái gọi là 'đặc khu hành chánh Hải Nam' phụ trách tất cả những vùng biển Ðông Nam Á, không cứ Tây Sa, Nam Sa, như tên của họ, và tất cả những hòn đảo đến tận Phi Luật Tân và Nam Dương nữa, thì tất cả họ đều gọi là biển lịch sử của Trung Quốc. Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam lớn hơn Tam Sa nhiều. Tam Sa chỉ có 3 cái gọi là Trung Sa, Đông Sa và Nam Sa. Cái đó, theo ý tôi, chỉ là một chiến dịch hỏa mù thôi, không quan trọng. Nó đưa ra như vậy để nó bỏ đi, ra cái điều là 'tôi sẽ nhượng bộ'.Trung ương mà đưa ra rồi mà địa phương lại dám nói là chúng tôi không đưa ra một nghị trình thì chúng ta biết rõ đó là một kế hoạch của họ, ra cái điều là 'chúng tôi không đặt vấn đề chiếm lãnh 3 quần đảo đó nữa'. Thế thì trong khi đó ông Việt Nam cũng làm cái mẹo như thế, là cho mấy ông hội đồng hàng tỉnh nói rằng 'chúng tôi phản đối việc đó'. Sự thực vấn đề lãnh thổ, lãnh hải phải do quốc dân, mà quốc dân thì do quốc hội, tức là quốc hội phải lên tiếng, hay chính phủ phải ra công hàm phản đối với tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội. Đằng này, quốc hội Trung ương Việt Nam không nói gì cả. Nhưng vấn đề chính không phải ở đó (Tam Sa), vấn để chính ở đây là đặc khu Hành Chính Hải Nam đã chiếm hết 80% cái biển Ðông Nam Á rồi." Khi đề cập đến câu hỏi của giáo sư Chu là tại sao Việt Nam không đưa Trung Quốc ra trước Hội Đồng Bảo An LHQ, luật sư Thống giải thích năm 1974, lúc miền nam còn dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc, sau khi chiếm 7 đảo gọi là nhóm An Vĩnh ở bên Hoàng Sa về phía đông bắc thì họ lại dùng võ trang chiếm luôn 6 đảo thuộc Hoàng Sa, ở nhóm gọi là Lưỡi Liềm ở phía tây nam, Việt Nam Cộng Hòa đem lực lượng ra ngênh chiến. Sau trận đụng độ, Việt Nam thua, Trung Tá Ngụy Văn Thà ở lại chống cự và chết theo chiến hạm. Sau trận hải chiến bảo vệ lãnh thổ, Việt Nam Cộng Hòa đã muốn đưa Trung Quốc ra Hội Đồng Bảo An LHQ. Chuyện này đòi phải có sự chấp thuận của một nửa cộng với một trong tổng số thành viên của hội đồng. Luật sư Nguyễn Hữu Thống giải thích tiếp Luật sư Thống nói: "Năm 1974, mình chỉ có Anh, Mỹ, Úc, Ái Nhĩ Lan và một nước nữa là Costa Rica thôi, còn tất cả những nước kia không chấp thuận cho nên không được ghi vào nghị trình. Bây giờ, thí dụ như là Việt nam, vì một lý do nào đó, dám đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An, thì không bao giờ được ghi vào nghị trình. Bây giờ chúng ta không có nổi đến 5 nước nữa, vì Trung Quốc ở đó rồi, thì không bao giờ được thảo luận ở Hội Đồng Bảo An cả. Chúng ta cũng nhớ rằng năm 1947, khi mà Pháp đề nghị cho Việt Nam, Miên, Lào vào LHQ thì Liên Xô đã bác bỏ bằng quyền veto, quyền phủ quyết, cho nên vấn đề đưa ra Hội Đồng Bảo An là một vấn đề không thể thực hiện được, mà dù có thực hiện cũng là chuyện giả đò thôi, cho nên đừng nhắc đến chuyện đó. Vấn đề bây giờ là đấu tranh của dân chúng, của nhân dân để tranh thủ cảm tình quốc tế, để đưa ra, một là Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa ở LHQ, thứ hai là Hội Đồng Trọng Tài của LHQ,và thứ ba là Tòa Án Quốc Tế La Haye. Nhưng cái quan trọng nhất có thể làm được, là nhân dân đấu tranh yểm trợ việc đòi Hoàng Sa, Trường Sa, gây ra một dư luận trên thế giới và báo chí, đưa ra trước công luận, thì lúc đó may ra những kẻ kia họ mới có thể nhượng bộ." -------------------------------------------------------------------------------------
Cơn bão tuyết ngoại giao của Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte
Trần Bình Nam
Ngày 18/1, theo lịch trình thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Negroponte sẽ chính thức thăm viếng Việt Nam trong hai ngày, sau khi gặp các giới chức Trung quốc tại thành phố Quý châu trong tỉnh Sheng ở tây nam Trung quốc ngày 17/1 trong một cuộc gặp gỡ định kỳ mỗi năm hai lần giữa nhân viên ngoại giao cao cấp của hai nước. Với vị thế quan trọng của thứ trưởng Negroponte tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ (1) và quan hệ đang rất tế nhị giữa Việt Nam và Trung quốc liên quan đến vụ Tam Sa, chuyến thăm viếng của ông Negroponte được giới quan sát và truyền thông quốc tế theo dõi thật sát, cho rằng đây là một cuộc thăm viếng quan trọng liên quan đến tình hình Đông Nam á châu - Thái Bình Dương và mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam. Nhưng sáng ngày 18/1, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo chuyến thăm viếng Việt Nam của ông Negroponte bị hủy bỏ vì thời tiết xấu tại Quý châu không cho phép máy bay ông cất cánh. Không ai tin thời tiết đã ngăn trở chuyến bay. Muốn đi thì ông chỉ cần dùng đường bộ đến một thành phố khác gần đó để lấy máy bay khác khó gì. Thời đại này, thời tiết cũng chưa làm trở ngại được sự di chuyển của một viên chức nước nhỏ, nói gì cản trở một cuộc du hành quan trọng của một thứ trưởng ngoại giao của đệ nhất đại cường trên thế giới. Vậy vì lý do gì ông Negroponte hủy bỏ chuyến đi. Có thể có ba lý do. Thứ nhất Hoa Kỳ tự ý hủy bỏ. Thứ hai Trung quốc khuyến cáo hay áp lực ông Negroponte hủy bỏ. Thứ ba là Hà Nội yêu cầu hoãn lại chuyến công du và ông Negroponte quyết định hủy bỏ luôn. Lý do thứ nhất không vững, vì chương trình công tác của một thứ trưởng quan trọng như ông Negroponte không thể thay đổi đột ngột như vậy. Lý do Trung quốc áp lực trực tiếp với ông Negroponte lại càng khó tin. Tế nhị ngoại giao (về phía Trung quốc) và tự ái nước lớn (về phía Hoa Kỳ) không cho phép ông Negroponte nhượng bộ trước áp lực của Trung quốc. Chỉ còn gỉả thuyết thứ ba là Việt Nam yêu cầu hủy bỏ chuyến đi. Nhưng điều khả dĩ hơn có thể là Trung quốc áp lực Việt Nam hoãn tiếp ông thứ trưởng Negroponte cho đến sau khi ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Pham Gia Khiêm thăm Trung quốc (như đã loan báo) trong thời gian từ 22 -26 trong tháng này, và Việt Nam đã nhượng bộ Trung quốc yêu cầu hoãn lại. Trong lần xuất chiêu này Trung quốc lại một lần nữa ghi điểm trong ván bài tay ba Trung quốc-Hoa Kỳ-Việt Nam cũng như năm 2007 Trung quốc đã ghi một bàn khi áp lực Việt Nam buộc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Trung quốc ngoài chương trình trước khi công du Hoa Kỳ. Một chút éo le đối với Hoa Kỳ là nếu ông John Negroponte đến Việt Nam như dự định ông sẽ có mặt tại Hà Nội trong ngày 19/1 vào lúc người Việt khắp nơi trên thế giới đang làm lễ kỷ niệm trận hải chiến chống Trung quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 năm trước. Trận đánh chiếm này có bàn tay người Mỹ sau lưng (xem Biển Đông Dậy Sóng), và câu hỏi tự nhiên đến là ông Negroponte tới Việt Nam sau khi công du Trung quốc có liên hệ gì đến ván bài Trường Sa giữa Hoa Kỳ và Trung quốc không. Đó chỉ là giả thuyết vì thế địa lý chính trị hôm nay giữa Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam khác hẵn thế địa lý chính trí giữa Trung quốc và Hoa Kỳ của thập niên 1970. Ván bài này Hoa Kỳ đánh khác chứ không đánh như kiểu năm 1974 nữa. Thế tay ba Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam bây giờ buộc Hoa Kỳ bênh vực Việt Nam để cho quần đảo Trường Sa không lọt vào tay Trung quốc. Và đó có thể là đề tài trao đổi chính khi ông Negroponte định đến Việt Nam. Trong quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam trong 5 năm qua chúng ta thấy có một sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và một sự cẩn trọng nào đó của Việt Nam đối với Trung quốc. Nếu có nhiều cuộc thăm viếng thân hữu giữa các giới chức cao cấp Việt Nam và Trung quốc thì cũng có hằng loạt những cuộc thăm viếng quan trọng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Công du Hoa Kỳ: Tháng 11/2003 bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà. Tháng 6/2005 thủ tướng Phan Văn Khải. Tháng 1/2007 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tháng 6 cùng năm chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Về phía Hoa Kỳ tháng 12/2003 chiến hạm tối tân của hải quân Hoa Kỳ USS Vandergrift đến thành phố Sài gòn mang theo những hình ảnh áo trắng lon vàng rực rỡ của những người thủy thủ và sĩ quan hải quân Hoa Kỳ trên đường phố Sài gòn làm tan biến mây mù của chiến tranh và thù hận từng bao trùm hai nước. Cuối năm 2006 tổng thống Bush thăm viếng Hà Nội nhân đi tham dự hội nghị thường niên các nước ven Thái Bình Dương APEC. Trước khi đi Hoa Kỳ cất bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm (CPC) vì vi phạm tự do tín ngưỡng (mặc dù Hà Nội đã không thật sự cải thiện chính sách tôn giáo mà chỉ là những thay đổi màu mè) và sau đó Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới – WTO). Sự xích lại này chứng tỏ những người lãnh đạo tại Hà Nội thấy có nhu cầu liên kết chiến lược với Hoa Kỳ để giải tỏa dần áp lực của ông anh phương Bắc. Và Hoa Kỳ cũng đáp ứng được nhu cầu làm vững mạnh thêm thế chiến lược của mình tại tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên trước việc Trung quốc ra quyết nghị thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Hoa Kỳ đã im lặng. Không một giới chức Hoa Kỳ nào đá động đến, xem như đó là chuyện của ai chứ không liên quan đến mình mặc dù ai cũng biết Hoa Kỳ đang theo dõi biến chuyển của cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung quốc một cách lo âu. Nếu Trường Sa quan trọng đối với Trung quốc như thế nào, Trường Sa cũng quan trọng đối với Hoa Kỳ như vậy. Chưa nói vị trí chiến lược của Trường Sa nằm trên con đường biển từ eo Malacca lên phía Bắc Thái Bình Dương, dưới đáy của nó hứa hẹn một túi dầu hỏa và khí đốt chưa biết đích xác trữ lượng nhưng chắc là không nhỏ. Và dầu hỏa trong tay đồng minh còn là huyết mạch của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới. Vụ thành lập thành phố Tam Sa của Trung quốc là một viên đạn bắn hai con chim. Trung quốc muốn nói với Việt Nam họ không hài lòng thái độ nghiêng về Hoa Kỳ của Hà Nội. Đối với Hoa Kỳ Trung quốc tỏ ra muốn mở rộng không gian sinh tồn và sẵn sàng thách thức với lực lượng biển của Hoa Kỳ. Ngay sau vụ Tam Sa, đố đốc Timothy Keating, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã đến Việt Nam. Tin tức không nói nhiều đến nội dung chuyến đi của ông nhưng chắc hẵn không ra ngoài vụ Tam Sa. Và chuyến đi (bỏ lỡ) của thứ trưởng John Negroponte phải là một nước bài trong toàn cảnh. Nước bài chưa đánh được vì thái độ bất nhất của chính quyền Hà Nội. Cho đến giờ này không một giới chức cao cấp của chính quyền Hà Nội là quý ông Nông Đức Mạnh (tổng bí thư đảng), Nguyễn Minh Triết (chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) và Nguyễn Phú Trọng (chủ tịch quốc hội), cả bốn đều là Ủy viên Bộ chính trị, hé môi nói một lời nào về vụ Trung quốc sát nhập đất của Việt Nam. Ngoài lập trường công khai do phát ngôn nhân Lê Dũng nhiều lần xác nhận Trường Sa là của Việt Nam, chính quyền Việt Nam không có một chuẩn bị nào về mặt quần chúng, về mặt quốc tế, và về mặt quân sự nếu Trung quốc đưa tàu chiến ra chiếm đóng Trường Sa. Trung quốc chưa ra tay vì họ đang chuẩn bị thế vận hội mùa hè 2008 và họ không muốn tạo ra bất cứ cuộc khủng hoảng nào có thể ảnh hưởng đến sự thành công của Thế vận hội. Nhưng qua năm 2009, mọi chuyện có thể khác. Và nếu Việt Nam cứ giữ thái độ lừng khừng như hiện nay thì quá muộn. Nếu tìm hiểu thái độ của Hà Nội trước việc Trung quốc lấn chiến Hoàng Sa với một thái độ thông cảm chúng ta có thể nghĩ Việt Nam chọn thái độ dè dặt. Thí dụ như giới chức cao cấp và quốc hội không lên tiếng, để cho dân chúng biểu tình một cách tượng trưng rồi cấm cản, không đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tránh chọc giận Trung quốc. Việt Nam ngại những động thái như vậy có thể làm ảnh hưởng mối bang giao với Trung quốc, và kết quả sẽ không có lợi về phía Việt Nam vì Trung quốc có thể trả đũa về mặt kinh tế nếu không muốn nói là quân sự mà Việt Nam hoàn toàn chưa chuẩn bị để đối phó. Việt Nam cũng có thể đang dò xem Hoa Kỳ có thể làm được gì trong vấn đề tranh chấp này vì Việt Nam thừa biết Hoa Kỳ cũng đang rất quan tâm. Tuy nhiên, nếu trước một vấn nạn quốc gia, nhất là trước nạn xâm lăng người lãnh đạo có thể dùng giải pháp đương đầu bằng quân lực hay tìm cách giải quyết trên bàn thương thuyết, nhưng điều quan trọng là lãnh đạo phải đoàn kết và thống nhất ý kiến trong việc đi tìm đường lối đáp ứng. Các dấu hiệu hiện nay cho thấy nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam có sự chia rẽ trầm trọng, chia rẽ giữa phe dùng phương pháp ôn hòa đối với Trung quốc để giữ đất và phe chủ trương tìm thế quốc tế (nói cách khác là Hoa Kỳ) để bảo vệ lãnh thổ. Và sự chia rẽ này đang làm tê liệt chính quyền Việt Nam. Lịch sử Việt Nam dạy rằng đối với Trung quốc tối hậu là phải giảng hòa mới giữ được nước, nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng chỉ giảng hòa sau khi đánh cho Trung quốc liểng xiểng. Còn nếu giảng hòa ở thế yếu thì chỉ là dâng thịt cho mãnh hổ. Sự chia rẽ nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đang làm cho Việt Nam hoàn toàn thụ động và lúng túng. Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải làm gì? Trước hết quốc hội Việt Nam phải ra quyết nghị xác định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng phải huy động toàn lực của nhân dân bằng chính sách cởi mở dân chủ, ban hành tự do ngôn luận trong giới hạn để toàn dân một lòng cương quyết chống xâm lăng. Đảng Cộng sản Việt Nam với lực lượng công an chuyên nghiệp trong tay có cần phải sợ nhân dân nhân dịp biểu tình lật đổ chính quyền không? Đảng Cộng sản Việt Nam cần liên minh với các quốc gia đồng quyền lợi, trước hết là Hoa Kỳ, thứ đến là Ấn độ, Úc châu, khối Asean và Liên hiệp Âu châu để họ cùng tham gia bảo vệ thủy lộ trên biển Đông và không để tài nguyên thiên nhiên ở đó lọt vào tay Trung quốc. Và sau cùng cải tổ cấp tốc lực lượng hải quân. Có rất nhiều điều có thể làm trong khuôn khổ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn có thể giữ quan hệ ngoại giao tốt với Trung quốc. Nhưng rất tiếc một chính quyền chia rẽ nội bộ thì không thể có chính sách nhất quán. Lịch sử 4000 năm của Trung quốc chứng tỏ rằng khi nào Trung quốc mạnh là Trung quốc tìm cách bành trướng. Họ đã manh tâm thôn tính Việt Nam dưới các triều Nguyên (thế kỷ 13) triều Minh (thế kỷ 15), triều Mãn thanh (thế kỷ 18), nhưng rất may lần nào nhân dân Việt Nam cũng đồng tâm nhất trí thống nhất ý chí chống giặc giải phóng quê hương dưới sự lãnh đạo của các anh quân triều Trần, triều Lê, Quang Trung Nguyễn Huệ nên lần nào chúng ta cũng đánh tan tác đuổi quân thù trở về biên cương của họ buộc họ phải để yên cho chúng ta tồn tại như một quốc gia độc lập. Lần này sau 5 thế kỷ lu mờ, Trung quốc lại trổi dậy như một siêu cường. Mộng xâm lấn Việt Nam trở thành một mối ám ảnh của Trung quốc. Việt Nam đang đứng trước một mối nguy. Không phải chỉ những hải đảo xa xôi bị đe dọa mà ngay sơn hà xã tắc cũng có thể lọt vào tay Trung quốc nếu có một biến chuyển quốc tế bất ngờ. Nguy không phải vì nhân dân Việt Nam không còn quyết tâm chống xâm lăng nhưng nguy là trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng mà lãnh đạo Việt Nam đang chia rẽ. Sư chia rẽ nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam trước vụ Tam Sa được bộc lộ rõ qua chuyến đi bị hủy bỏ của thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte ngày 18/1 vừa qua. Một cơ hội tốt đã bị bỏ qua. Trần Bình Nam Jan 19, 2008 (kỷ niệm 34 năm trận chiến Hoàng Sa) binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com (1) Ông Negroponte là một thứ trưởng, nhưng ảnh hưởng của ông trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể lấn cả ảnh hưởng của bà ngoại trưởng Condoleezza Rice.
-----------------------------------------------------------------------------
BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG
Trần Bình Nam

Biển Đông mỗi lần dậy sóng là một lần đánh dấu một bước ngoặc của lịch sử Việt Nam. Và trong 40 năm sau cùng của thế kỷ 20 bước qua những năm đầu của thế kỷ 21, biển Đông ghi đậm nét những chuyển biến của mối bang giao Việt-Mỹ, một mối bang giao thương - ghét (hate-love) bất bình thường giữa một đôi trai tài gái sắc. Ngày 2 và ngày 4 tháng 8 năm 1964 khinh tốc đỉnh của hải quân Bắc Việt hai lần đánh chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ khi chiến hạm này đang tuần hành ngoài khơi vịnh Bắc bộ đưa đến quyết định của quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quyết nghị Vịnh Bắc bộ (The Tonkin Gulf Resolution) cho phép tổng thống Lyndon Johnson dùng bất cứ phương tiện gì kể cả vũ lực để bảo vệ quân đội Hoa Kỳ và yểm trợ các quốc gia trong Liên phòng Đông nam á (Southeast Asia Collective Defense Treaty). Quyết nghị này đã đưa đến việc can thiệp qui mô của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Mấy năm sau, một số thông tin được tiết lộ cho thấy Quyết nghị nói trên không phải là nguyên nhân làm cho Hoa Kỳ sa chân vào cuộc chiến Việt Nam mà là một hành động có tính toán, và việc hải quân Bắc Việt đánh tàu Maddox chỉ là một cái cớ. Trong vụ gọi là “vụ Vịnh Bắc bộ" có hai trận đánh giữa hải quân Bắc Việt và hải quân Mỹ. Trận đánh ngày 2 tháng 8 có thật, nhưng trận đánh ngày 4 tháng 8 có thể do Hoa Kỳ ngụy tạo. (ghi chú: vấn đề này chưa được ngã ngũ, và có thể chẳng bao giờ được ngã ngũ vì sự thật của lịch sử càng ngày càng bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian). Vào cuối năm 1967 Hoa Kỳ có nửa triệu quân chiến đấu tại Việt Nam. Sau trận đánh Mậu Thân 1968 Hoa Kỳ bắt đầu thương thuyết với Hà nội, và đến năm 1973 ký Hiệp định Paris chuẩn bị rút quân ra khỏi Việt Nam.Trên nguyên tắc Hiệp định duy trì hai miền Nam Bắc và sẽ giải quyết việc thống nhất đất nước trong hòa bình. Nhưng đối với giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ thì sau Hiệp định Paris miền Nam Việt Nam trước sau cũng sẽ mất vào tay cộng sản bằng chính trị hay bằng quân sự. (nếu TT Nixon không bị khó khăn vì vụ Watergate thì mất bằng chính trị. Và nếu bị trói tay phải từ chức thì mất bằng quân sự). Cho nên trước khi rút lui, Hoa Kỳ phải tìm một thế địa lý chính trị tại Á châu ít thiệt thòi cho mình nhất. Phía bắc Thái Bình Dương Hoa Kỳ vừa khai thông quan hệ với Trung quốc qua việc thiết lập văn phòng liên lạc tại Bắc Kinh (1973) và Hoa Kỳ còn quân đội đóng ở Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng ở nam Thái Bình Dương thì vấn nạn của Hoa Kỳ là: sau khi Bắc Việt chiếm Nam Việt Nam thì Nga Xô - đồng minh của Bắc Việt - sẽ có mặt tại biển Đông. Hoa Kỳ cần tìm một đồng minh choán chỗ trước. Nơi biển Đông, Việt Nam Cộng Hòa có chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trường Sa ở phía nam gồm nhiều đảo nhỏ. Trong khi quần đảo Hoàng Sa (gọi là quần đảo Paracels) nằm ở phía bắc có ít đảo hơn nhưng có nhiều hòn đảo lớn có khả năng xây cất phi trường (đảo Hoàng Sa là một trong những đảo lớn này). Đối với Hoa Kỳ nếu Nga Xô có quyền xử dụng quần đảo Paracels sau khi Hà nội chiếm Nam Việt Nam thì thế của Hoa Kỳ tại nam Thái Bình Dương sẽ yếu đi, nhất là sự phòng thủ Úc châu. Ngược lại nếu Trung Quốc nắm chủ quyền quần đảo Paracels thì Hoa Kỳ yên tâm hơn. Trung quốc vốn tranh chấp ảnh hưởng với Nga Xô và kèn cựa với Bắc Việt sẽ làm người lính phòng thủ tốt chận ảnh hưởng của Nga Xô xuống vùng nam Thái Bình Dương giúp cho Hoa Kỳ. Đó là nguyên nhân của cuộc tấn chiếm quần đảo Paracels của hải quân Trung quốc đưa đến trận hải chiến ngày 19 tháng 1 năm 1974 giữa hải quân Trung quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Trận hải chiến này đã được đại tá hải quân Hà Văn Ngạc, người chỉ huy trận đánh bảo vệ quần đảo Paracels thuật lại với nhiều chi tiết trong bài viết “Trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa" trước khi ông qua đời tại Texas (đăng lần đầu tiên trên Tạp Chí Đi Tới số 21 phát hành tại Montréal, Canada tháng 5/1999, và được đăng lại trong Đi Tới số 77 – tháng 1,2 & 3, 2004). Đại tá Ngạc biết có một cái gì đó sau lưng trận đánh nên ông đã dè dặt trong đôi lời trước khi viết rằng ông chỉ “tường thuật trung thực những chi tiết theo khía cạnh của một người chỉ huy chiến thuật". Cái gì sau lưng đó là chuyến công du Trung quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 của ông Henry Kissinger, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Nội dung của chuyến công du như ông Henry Kissinger ghi lại trong cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval" (Những Năm Tháng Biến Động) là thảo luận tình hình thế giới với thủ tướng Chu Ân Lai và chủ tịch Mao Trạch Đông và hai bên quan tâm nhất đến sự bành trướng thế lực của Nga Xô. Ngoại trưởng Kissinger viết, trong một cuộc thảo luận giữa ông với hai ông Chu và Mao Mao đồng ý với nhận định của ông Chu rằng Nga xô là mối đe dọa lớn nhất của Trung quốc [Mao went along cheerfully with Zhou' s implications that the Soviets were now the principal threat... (Years of Upheaval, trang 689) ]. Trước đó trong một đoạn tóm tắt mục đích và kết quả của chuyến công du Kissinger viết rằng quan tâm chung của ông và ông Chu là tình hình thế giới. Ông cho biết báo chí quốc tế tường thuật chuyến công du của ông tại Trung quốc không thuận buồm xuôi gió vì vấn đề Đài Loan, nhưng thực ra đây là chuyến đi thành công nhất của ông. Hoa Kỳ và Trung quốc đã đạt đến một cái nhìn chung làm cho hai nước thắt chặt mối thân hữu, và vì những lý do tế nhị đối với Nga Xô không thể tiết lộ được.[Following the now well-established practice the heart of the visit was a detailed review of the international situation by Zhou and me, together with our senior associates... Our ties were cemented not by formal agreements but by a common assessment of the international situation... Most of our conversations, as usual, traced our shared analysis of the world situation, though for equally obvious reason of Soviet sensitivities we could not announce that fact either (Years of Upheaval, trang 684)]. Qua những dòng chữ trên, có lẽ có một thỏa thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam Cộng Hòa. Các sự việc diễn ra sau đó giải thích giả thuyết này. Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung quốc lén lút đổ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels. Và trong trận đụng độ giữa hải quân Trung quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/1/1974 hạm đội 7 của Hoa Kỳ đứng né ra ngoài. Hạm đội Hoa Kỳ tránh cả việc cứu vớt thủy thủ Việt Nam bị trôi dạt trên biển để cho Trung Cộng bắt mặc dù có lời yêu cầu chính thức của Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Trung quốc sau khi đánh bại hạm đội Việt Nam Cộng Hòa đã không truy kích để cho hạm đội nhiều thương tích này an toàn trở về căn cứ Đà Nẵng (xem bài Trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa của đại tá Hà Văn Ngạc). Nhưng Hoa Kỳ đã can thiệp để các thủy thủ và quân nhân bị bắt được đối đãi tử tế và trả về trong một thời gian ngắn. Riêng ông Kosh nhân viên tình báo Hoa Kỳ tháp tùng quan sát bị bắt cũng được trả tự do trong vòng một tháng. Bài viết của đại tá Hà Văn Ngạc ghi nhận rằng trong thời gian trước khi hai bên nổ súng Trung quốc hết sức hòa hoãn. Có lẽ Trung quốc nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thuyết phục được Việt Nam Cộng Hòa bỏ quần đảo Paracels. Khi hải quân Việt Nam đổ bộ lên tái chiếm các hòn đảo nhỏ chung quanh đảo Hoàng Sa mà Trung quốc đã chiếm mấy tuần trước đó họ đã bỏ đi không chống cự. Nhưng sau khi biết Hoa Kỳ không thuyết phục được tổng thống Thiệu bỏ Paracels, Trung quốc dùng sức mạnh. Nhưng các chuyển biến trên thế giới chệch ra ngoài dự tính chiến lược của Hoa Kỳ. Mười lăm năm sau (năm 1989) Liên bang xô viết sụp đổ, Trung quốc không cần phải liên minh với Hoa Kỳ để chống Nga Xô nữa. Mặt khác vấn đề Đài loan làm cho quan hệ Hoa Kỳ - Trung quốc căng thẳng, căn cứ Paracels của Trung quốc trở thành một cái gai trước mắt của Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ thất thế không lâu. Sau biến cố tại Liên bang Xô viết kéo theo sự sụp đổ của Đông Âu, Hà Nội liên kết với Trung quốc để sống còn. Sự liên kết này làm cho Việt Nam thiệt thòi nhiều mặt. Trên biển Đông Trung quốc lấn chiếm các hải đảo Trường Sa và o ép Việt Nam ký những hiệp định về biên giới (1999) và lãnh hải (2000) có lợi cho Trung quốc. Trong khi đó nền kinh tế khổng lồ của Trung quốc với sản phẩm đủ loại giá rẻ thẩm thấu qua biên giới phía Bắc đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Trước áp lực, những người lãnh đạo Việt Nam phải cựa quậy. Và trong khi đi tìm một khoảng trống sinh tồn (espace vitale) quyền lợi của Việt Nam phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không thể để cho Trung quốc lấp khoảng trống quyền lực tại Đông Nam Á mà không tìm cách chế ngự. Vì nhu cầu chiến lược đó bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld đã mời tướng Phạm Văn Trà bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ. Cuộc viếng thăm đã được thực hiện trong tháng 11, 2003 và tiếp ngay sau đó chiến hạm USS Vandegrift của Hoa Kỳ ghé bến Sài Gòn Nhìn lại từ vụ Maddox đến trận hải chiến Hoàng Sa, từ sự ra đi của khu trục hạm USS Benjamin Stodert năm 1973 sau khi Hiệp Định Paris được ký kết cho đến sự trở lại cảng Sàigòn của hộ tống hạm Vandegrift, biển Đông đã ghi dấu những đổi thay không ngừng của lịch sử của Việt Nam. Trần Bình Nam Jan. 10, 2004 BinhNam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn --------------------------------------